(Diện Kiến với Saccaka Nigantha)

Rồi Saccaka Nigantha đến bên Đức Phật, chào hỏi, sau những lời xả giao thân thiện, ngồi xuống kế bên. Ông ta nói với Đức Phật:
– Thưa Ngài Gotama, có những Sa môn – Bà la môn sống đeo đuổi tu phát triển thân, mà không phát triển tâm. Họ bị xúc tiếp với những cảm thọ khổ của thân. Trong quá khứ, thưa Ngài, sự xúc tiếp với những cảm thọ khổ của thân đã đưa đến đùi tê cứng, qủa tim vỡ toang, máu trào ra miệng, điên rồ và cuồng tâm. Như thế tâm lệ thuộc vào thân hoặc là thân làm chủ nhân ông. Vì sao? Vì tâm không được tu phát triển.
Lại có những Sa môn – Bà la môn sống đeo đuổi tu phát triển tâm, mà không phát triển thân. Họ bị xúc tiếp với những cảm thọ khổ của tâm. Trong quá khứ, thưa Ngài, sự xúc tiếp với những cảm thọ khổ của tâm đã đưa đến đùi tê cứng, qủa tim vỡ toang, máu trào ra miệng, điên rồ và cuồng tâm. Như thế thân lệ thuộc vào tâm hoặc là tâm làm chủ nhân ông. Vì sao? Vì thân không được tu phát triển.
Thưa Ngài Gotama, tôi thiết nghĩ rằng chắc chắn đệ tử của Ngài Gotama sống lo đeo đuổi tu phát triển tâm mà không phát triển thân.
– Nhưng này Aggivessana, Ông nghe biết gì về tu phát triển thân?
– Thưa Ngài Gotama, lấy ví dụ về Nanda Vaccha, Kisā Sankicca và Makkhàli Gosāla. Họ sống mình trần, thói quen buông tuồng, liếm tay sau khi ăn, được mời không đến, được hỏi không dừng (bước). Không nhận: thực phẩm đem cho, thực phẩm đặc biệt, lời mời đến ăn, từ nồi, từ bát, qua cửa, qua gậy, qua chày gĩa gạo, từ 2 người đang ăn, từ đàn bà mang thai, từ người nữ cho con bú, từ người nữ giữa đám đàn ông, do tuyên truyền, nơi con chó đang chờ, nơi đám ruồi đang bu, cá, thịt, rượu mạnh- ruợu nhẹ và các thức uống lên men. Họ theo đến 1 nhà ăn 1 miếng, 2 nhà ăn 2 miếng … 7 nhà ăn 7 miếng. Sống ăn 1 chén, 2 chén … 7 chén. Thọ dụng thức ăn mỗi ngày một lần, 2 ngày 1 lần … 7 ngày 1 lần. Như thế cho đến nửa tháng chỉ ăn 1 lần, sống đeo đuổi theo chế độ ẩm thực cách quãng.
– Nhưng này Aggivessana, họ có thể tự nuôi sống như vậy về lâu về dài không?
– Thưa Ngải không phải thế. Đôi khi họ ăn những món đặc hảo hạng, ăn những món mềm hảo hạng, nếm những món tẩm gia vị hảo hạng, uống những thức uống hảo hạng. Nhờ đó họ lấy lại sức lực, tăng cường sinh lực và trở thành béo phì.
– Những gì họ từ bỏ khi trước thì về sau họ thu góp lại. Như thế thân này có tăng có giảm.
Này Aggivessana, Ông nghe biết gì về tu phát triển tâm”?
Khi Đức Phật hỏi tu phát triển về tâm, Saccaka Nigantha không thể trả lời. 

Đức Phật bảo Saccaka Nigantha:
– Aggivessana, việc tu phát triển thân mà ông đề cập trên không phải là đúng pháp tu phát triển thân theo pháp giới Thánh. Tu thân Ông chưa rành, thì làm sao biết được tu tâm? Tuy vậy này Aggivessana, thế nào là không tu phát triển thân và không tu phát triển tâm? Thế nào là tu phát triển thân và tu phát triển tâm? Hãy chú ý nghe kỹ lời ta giảng.
– Xin vâng thưa Ngài, Saccaka Nigantha trả lời Đức Phật. Rồi Đức Phật giảng: 

– Thế nào Aggivessana, là thân không tu và tâm không tu?
Khi một người phàm không học hỏi (pháp) khởi dậy cảm thọ lạc, được tiếp xúc với cảm thọ lạc, người đó trở thành tham lam cảm thọ lạc này và cứ tiếp tục tham đắm. Đến khi cảm thọ lạc đó ngưng diệt, sự ngưng diệt cảm thọ lạc làm nẩy sinh cảm thọ khổ. Được tiếp giáp với cảm thọ khổ này, người đó trở nên sầu, thảm, ta thán, đấm ngực khóc lóc, bối rối. Này Aggivessana, người đó khi cảm thọ lạc khởi lên- xâm nhập tâm và tồn đọng, vì không tu phát triển thân. Cảm thọ khổ khởi lên- xâm nhập tâm và tồn đọng, vì không tu phát triển tâm.
Đối với bất cứ ai này Aggivessana, về cả 2 phương diện này: cảm thọ lạc khởi lên- xâm nhập tâm và tồn đọng vì không tu phát triển thân, và cảm thọ khổ khởi lên xâm nhập tâm và tồn đọng do  không tu phát triển tâm. Như thế đó Aggivessana, là thân không tu và tâm không tu. 

– Thế nào Aggivessana, là thân có tu và tâm có tu?
Khi vị Thánh đệ tử có học khởi dậy cảm thọ lạc, được tiếp giáp với cảm thọ lạc vị ấy không tham lam cảm thọ lạc này và tiếp tục không tham đắm. Đến khi cảm thọ lạc đó ngưng diệt, sự ngưng diệt cảm thọ lạc làm nẩy sinh cảm thọ khổ. Được tiếp giáp với cảm thọ khổ này, người đó không trở nên sầu, thảm, ta thán, đấm ngực khóc lóc, bối rối. Này Aggivessana, người đó khi cảm thọ lạc khởi lên- không xâm nhập tâm và không tồn đọng, vì có tu phát triển thân. Cảm thọ khổ khởi lên- không xâm nhập tâm và không tồn đọng, vì có tu phát triển tâm.
Đối với bất cứ ai, này Aggivessana, về cả 2 phương diện này: cảm thọ lạc khởi lên- không xâm nhập tâm và không tồn đọng vì có tu phát triển thân, và cảm thọ khổ khởi lên- không xâm nhập tâm và không tồn đọng vì có tu phát triển tâm. Như thế đó, Aggivessana, là thân có tu và tâm có tu.
– Tôi tin tưởng nơi Ngài Gotama rằng Ngài có thân phát triển và tâm phát triển.
– Chắc vậy Aggivessana, lời lẽ của ông mang tính lăng mạ và xỏ xiên, nhưng ta vẫn trả lời cho ông. Ta đã cạo sạch tóc râu, mặc áo vàng (cà sa), lìa bỏ nhà cửa, sống vô gia cư, xuất gia đi tu. Đối với ta cảm thọ lạc khởi lên- xâm nhập tâm và tồn đọng, cảm thọ khổ khởi lên- xâm nhập tâm và tồn đọng, thật sự không thể có chuyện này.
– Có phải không bao giờ có một cảm thọ lạc khởi lên với Ngài Gotama, xâm nhập tâm và tồn đọng? Có phải không bao giờ có một cảm thọ khổ khởi lên với Ngài Gotama, xâm nhập tâm và tồn đọng?
– Tại sao không như thế? này Aggivessana. Trước khi ta giác ngộ, còn là Bồ tát chưa đạt chánh đẳng giác, ta có ý nghĩ này: “Sống nơi gia đình gò bó, ràng buộc. Xuất gia đi tu như sống giữa trời bao la. Thật không dễ gì khi trú ngụ trong gia đình có thể tạo được công đức hoàn bích, thanh bạch hoàn hảo như vỏ ốc trắng cho đời sống thánh thiện. Sao không thử cạo sạch tóc râu, mặc áo vàng, lìa bỏ nhà cửa, sống vô gia cư, xuất gia đi tu”.
Này Aggivessana, tiếp sau đó, vào thời còn trai tráng, tóc còn đen lánh với tuổi thanh xuân đương độ, tuyệt đỉnh của đời sống,, dù không được mẹ cha chấp thuận- khóc than mặt tràn đầy nước mắt, ta vẫn cạo sạch tóc râu, mặc áo vàng, lìa bỏ nhà cửa, sống vô gia cư, xuất gia đi tu.

(Theo Học Thiền Vô Sắc “Vô Sở Hữu Xứ” với Alāra Kālāma)

Rồi như một hành giả tìm kiếm cái tối thiện, tìm con đường thanh tịnh tối thượng, ta đã đến với Alāra Kālāma. Đến nơi ta nói với ông ta:
– Thưa Ngài Kālāma, tôi mong muốn được sống thánh thiện trong giới pháp này.
Nghe nói vậy, Alāra Kālāma liền nói với ta:

– Hãy ở lại đây Đại đức, đối với pháp môn như vầy bất cứ một người thông minh nào, chẳng mấy chốc qua vị Thầy, bằng thượng trí sẽ tự chứng đắc, nhập trú.
Và ta đã thông đạt pháp ấy chẳng mấy chốc, rất nhanh.
Này Aggivessana, bao lâu còn sự động môi và nhắc đi nhắc lại, nói về giáo pháp tri thức và giáo pháp của bậc thâm niên, thì ta có thể tuyên bố rằng ta biết được, ta thấy được, ta cũng như những người khác.
Nhưng ta suy ra rằng: “Không phải Alāra Kālāma đối với pháp này chỉ vì niềm tin, qua thượng trí của mình mà chứng được, nhập trú, công bố. Chắc hẳn Alāra Kālāma đối với pháp này đã biết, đã thấy và trú trong đó”.
Rồi ta đến gặp Alāra Kālāma và nói với ông ta: “Thưa Ngài Kālāma, đến tầm mức nào thì Ngài tự mình chứng được pháp này bằng thượng trí, nhập trú, công bố”?
Nghe hỏi như vậy, Alāra Kālāma liền tuyên bố: “Vô sở hữu xứ’” (bậc thiền thứ 3 trong thiền vô sắc). 
Rồi ta lại suy nghiệm, này Aggivessana: “không chỉ riêng Alāra Kālāma có niềm tin… tinh tấn… chánh niệm… chánh định… trí tuệ, ta cũng có niềm tin… tinh tấn… chánh niệm… chánh định… trí tuệ. Vậy ta hãy cố gắng thử thành đạt pháp mà Alāra Kālāma bằng thượng trí đã tự chứng được, nhập trú, tuyên bố”.
Và này Aggivessana, không mấy chốc và rất nhanh, đối với pháp đó, bằng thượng trí ta đã chứng được và nhập trú.
Rồi ta lại đi đến Alāra Kālāma và nói:
– Thưa Ngài Kālāma, có phải đến mức độ này, đối với pháp này, qua thắng trí, Ngài đã tự chứng được, hội nhập, tuyến bố?
– Đến mức độ này, đối với pháp này, bằng thượng trí, tôi đã tự mình chứng được, nhập trú, tuyến bố. 

– Tôi cũng vậy, thưa Ngài, đến mức độ này, đối với pháp này, bằng thượng trí, tôi đã tự mình chứng được và nhập trú.
– Thật là hữu ích! Sư hữu, thật là tốt lành! Sư hữu, đã cho tôi thấy được một vị Đại đức sống thánh thiện như vậy. Chính tôi, đối với pháp này, bằng thượng trí đã chứng được, hội nhập, tuyên bố, cũng là pháp mà Đại đức bằng thượng trí đã chứng đắc và nhập trú. Đại đức đối với pháp này bằng thượng trí, đã chứng đắc, nhập trú, cũng là pháp mà chính tôi bằng thượng trí đã chứng đắc, hội nhập, tuyên bố. Tôi biết pháp này, Đại đức cũng biết pháp này. Đại đức biết pháp này, tôi cũng biết pháp này. Tôi thế nào thì Đại đức như vậy, Đại đức thế nào thì tôi cũng như vậy. Hãy đến đây Đại đức, hai chúng ta sẽ cùng chung chăm sóc tập thề này.
Như thế đó, này Aggivessana, Alāra Kālāma là bậc thầy, còn ta là học trò, lại sắp đặt ta lên cùng cấp với ông ta. Tôn kính ta với sự tôn kính cao nhất.
Rồi này Aggivessana, ta lại suy tư: pháp này không đưa đến: tách ly, vô tham ái, ngưng diệt, thanh tịnh, toàn trí, giác ngộ và niết bàn, mà chỉ đưa đến “Vô sở hữu xứ”. Dó đó ta không vừa ý pháp này, chán ngán và từ biệt ra đi.

(Theo Học Thiền Vô Sắc- “Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ’” với Uddaka Rama)

Rồi như một hành giả tìm kiếm cái tối thiện, tìm con đường thanh tịnh tối thượng, ta đã đến với Uddaka Rama. Đến nơi ta nói với ông ta:
– Thưa Ngài Rama, tôi mong muốn được sống thánh thiện trong giới pháp này.
Nghe nói vậy, Uddaka Rama liền nói với ta: “Hãy ở lại đây Đại đức, đối với pháp môn như vầy bất cứ một người thông minh nào, chẳng mấy chốc qua vị Thầy, bằng thượng trí sẽ tự chứng đắc- nhập trú”.
Và ta cũng đã thông đạt pháp ấy chẳng mấy chốc, rất nhanh. 

…. (tương tự như trên) ….

Rồi ta đến gặp Uddaka Rama và nói với ông ta: “Thưa Ngài Rama, đến tầm mức nào thì Ngài tự mình chứng được pháp này bằng thượng trí, nhập trú, công bố”?
Nghe hỏi như vậy, Uddaka Rama liền tuyên bố: “Phi tưởng phi phi tưởng xứ ” (bậc thiền thứ 4 cao nhất trong thiền vô sắc).
… (tương tự như trên) …
Và này Aggivessana, không mấy chốc và rất nhanh, đối với pháp đó, bằng thượng trí ta đã chứng được và nhập trú.
   (như trên) …
– Hãy đến đây Đại đức, hai chúng ta sẽ cùng chung chăm sóc tập thề này.
Như thế đó, này Aggivessana, Alāra Kālāma là bậc thầy, còn ta là học trò, lại sắp đặt ta lên cùng cấp với ông ta. Tôn kính ta với sự tôn kính cao nhất.
Rồi này Aggivessana, ta lại suy tư: pháp này không đưa đến- tách ly, vô tham ái, ngưng diệt, tĩnh tịch, thượng trí, giác ngộ và niết bàn, mà chỉ đưa đến “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Dó đó ta không vừa ý pháp này, chán ngán và từ biệt ra đi.

(Ba Sự Tương Phản Chưa Từng Được Nghe)

Rồi như một hành giả tìm kiếm cái tối thiện, tìm con đường thanh tịnh tối thượng, ta di chuyển tuần hành ngang qua xứ Ma kiệt đà (Magadha) và sau cùng đến Uruvela, một quận trấn nhỏ. Đến nơi đây, một vùng đất trìu mến, có khu rừng duyên dáng, có dòng sông trong với một khúc sông cạn- hiền hậu có thể lội qua, quanh đó là thôn xóm tiện cho việc khất thực. Rồi ta thoáng nghĩ: “Thật sự đây là một vùng đất trìu mến… Nơi này vừa đủ cho một thanh niên quyết tâm phấn đấu đi tìm sự giải thoát”.
Và này Aggivessana, ta ngồi xuống nơi đó chợt nghĩ: “Thật là vừa đủ cho sự phấn đấu”.
– Này Aggivessana, có 3 sự Tương phản này, xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước:
(1) Giả sử có một thanh gỗ còn nhựa ướt ngâm trong nước. Rồi có người đi đến cầm que  lửa: “mình sẽ thắp lên ngọn lửa, biểu hiện sức nóng”.

– Vậy Aggivessana nghĩ sao? người đó với thanh gỗ còn nhựa ướt ngâm trong nước, cọ xát với que lửa, có thể thắp lên ngọn lửa và biểu hiện sức nóng không?
– Thưa Ngài Gotama, không thể được. Vì sao? Là bởi thanh gỗ đang còn nhựa ướt mà còn ngấm thấu trong nước. Người đó chỉ chuốc lấy sự phí sức và bực dọc mà thôi.
– Cũng vậy này Aggivessana, đối với bất cứ vị Sa môn hoặc Bà la môn nào sống chưa trút bỏ các tham lam về thân, cùng những tham luyến, tham ái, tham đắm, thèm khát, tham sốt bên trong chưa được tẩy sạch hoặc làm cho lắng xuống; thì dù cho những Sa môn- Bà la môn này, do tác động, hoặc có cảm thọ hoặc không cảm thọ sự đau buốt- đau đớn- khắc nghiệt, họ cũng không thể nào đạt được tuệ giác và tối thượng giác ngộ. 
Này Aggivessana, đó là sự Tương phản thứ nhất xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước.
(2) Lại này Aggivessana, một sự Tương phản thứ hai xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước.
Giả sử có một thanh gỗ còn nhựa ướt, được đem ra khỏi nước và đặt trên đất khô. Rồi có người đi đến cầm que lửa: “mình sẽ thắp lên ngọn lửa, biểu hiện sức nóng”.

– Vậy Aggivessana nghĩ sao? người đó với thanh gỗ còn nhựa ướt, được đem ra khỏi nước và đặt trên đất khô, cọ xát với que lửa, có thể thắp lên ngọn lửa và biểu hiện sức nóng không?
– Thưa Ngài Gotama, không thể được. Vì sao? Là bởi thanh gỗ vẫn còn nhựa ướt, dù cho đã được đem ra khỏi nước và đặt trên đất khô. Người đó chỉ chuốc lấy sự phí sức và bực dọc mà thôi.
– Cũng vậy này Aggivessana, đối với bất cứ vị Sa môn hoặc Bà la môn nào sống trút bỏ được các tham lam về thân, nhưng những tham luyến, tham ái, tham đắm, tham khát, tham sốt bên trong chưa được tẩy sạch hoặc làm cho lắng xuống. Dù cho những Sa môn- Bà la môn này, do tác động, hoặc có cảm thọ hoặc không cảm thọ sự đau buốt- đau đớn- khắc nghiệt, họ cũng không thể nào đạt được tuệ giác và tối thượng giác ngộ. 
Này Aggivessana, đó là sự Tương phản thứ hai xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước.
(3) Lại này Aggivessana, một sự Tương phản thứ ba xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước.
Giả sử có một thanh gỗ khô, đã khô nhựa, được đem ra khỏi nước và đặt trên đất khô. Rồi có người đi đến cầm que lửa: “mình sẽ thắp lên ngọn lửa, biểu hiện sức nóng”.

– Vậy Aggivessana nghĩ sao? người đó với thanh gỗ khô, được đem ra khỏi nước và đặt trên đất khô, cọ xát với que lửa, có thể thắp lên ngọn lửa và biểu hiện sức nóng không?  
– Thưa Ngài Gotama, có thể được. Vì sao? Là bởi thanh gỗ khô, không còn nhựa ướt, được đem ra khỏi nước và đặt trên đất khô.
– Cũng vậy này Aggivessana, đối với bất cứ vị Sa môn- Bà la môn nào sống trút bỏ được các tham lam về thân; cùng những tham luyến, tham ái, tham đắm, tham khát, tham sốt bên trong đã được tẩy sạch hoặc làm cho lắng xuống. Dù cho những Sa môn- Bà la môn này, do tác động, hoặc có cảm thọ hoặc không cảm thọ sự đau buốt- đau đớn- khắc nghiệt, họ vẫn có thể đạt được tuệ giác và tối thượng giác ngộ. 
Này Aggivessana, đó là sự Tương phản thứ ba xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước.
Đây là 3 sự Tương phản xảy đến với ta một cách đường đột, chưa từng nghe thấy từ trước:

(Tu khổ hạnh) 

(1) Này Aggivessana, ta lại nghĩ rằng: “Cần phải nghiến răng lại, ấn lưỡi vào hàm lợi trên, lấy tâm đè bẹp, khắc phục và áp đảo tâm”. Rồi ta nghiến răng lại, ấn lưỡi vào hàm lợi trên, lấy tâm đè bẹp, khắc phục và áp đảo tâm. Khi ta làm như vậy, mồ hôi toát ra từ nách. Lấy ví dụ này, Aggivessana, một người có sức mạnh nắm đẩu hay vai một người yếu đuối rồi đè bẹp, khắc phục và áp đảo. Cũng vậy khi ta nghiến răng lại, ấn lưỡi vào hàm lợi trên, lấy tâm đè bẹp, khắc phục và áp đảo tâm thì mồ hôi toát ra từ nách. Dù cho sức tinh tấn vẫn khởi dậy- không chùn xuống và niệm vẫn sẵn sàng- không bị xao lãng, thân ta vẫn bị khuấy động và không được tĩnh lặng, do bởi sự cố gắng phấn đấu với nổi khổ này làm ta mệt mỏi. Tuy cảm thọ khổ khởi lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(2) Ta lại nghĩ: “Mình hãy tập thiền nín hơi thở”. Rồi ta nín hơi thở vô ra qua miệng và mũi. Khi làm như vậy, thì xuyên qua lỗ tai có tiếng gió rít dữ dội, ví như chẳng khác gì từ ống bễ thợ rèn thổi ra âm thanh dữ dội. Cũng vậy khi ta nín hơi thở vô ra qua miệng và mũi thì xuyên qua lỗ tai có tiếng gió rít dữ dội. Dù cho sức tinh tấn vẫn khởi dậy- không chùn xuống và chánh niệm vẫn sẵn sàng- không bị xao lãng, thân ta vẫn bị khuấy động và không được tĩnh lặng, do bởi sự cố gắng phấn đấu với nổi khổ này làm ta mệt mỏi. Tuy cảm thọ khổ khởi lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(3) Ta lại nghĩ: “Mình hãy (tiếp tục) tập thiền nín hơi thở”. Rồi ta nín hơi thở vô ra qua miệng, qua mũi và qua tai. Khi làm như vậy, thì có cơn gió dữ dội cắt ngang qua đầu, ví như chẳng khác gì có người vũ lực dùng lưỡi kiếm bén nghiền nát đầu ra. Cũng vậy khi ta nín hơi thở vô ra qua miệng qua mũi và qua tai thì có cơn gió dữ dội cắt ngang qua đầu. Dù cho sức tinh tấn vẫn khởi dậy… (như trên)… làm ta mệt mỏi. Tuy cảm thọ khổ khởi lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(4) Ta lại nghĩ: “Mình hãy (tiếp tục) tập thiền nín hơi thở”. Rồi ta nín hơi thở vô ra qua miệng, qua mũi và qua tai. Khi làm như vậy thì ta có cảm giác đau đầu dữ dội, ví như có người vũ lực dùng dây da thô buộc quanh đầu và siết thật chặt. Cũng vậy khi ta nín hơi thở vô ra qua miệng qua mũi và qua tai thì ta có cảm giác đau đầu dữ dội. Dù cho sức tinh tấn vẫn khởi dậy… (như trên)… làm ta mệt mỏi. Tuy cảm thọ khổ khởi lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(5) Ta lại nghĩ: “Mình hãy (tiếp tục) tập thiền nín hơi thở”. Rồi ta nín hơi thở vô ra qua miệng, qua mũi và qua tai. Khi làm như vậy thì như có cơn gió mãnh liệt phân cắt bụng ta, ví như có người đồ tể giỏi hay trợ lý của ông ta với con dao giết bò sắc bén cắt xẻo bụng. Cũng vậy khi ta nín hơi thở vô ra qua miệng qua mũi và qua tai thì như có cơn gió mãnh liệt phân cắt bụng ta. Dù cho sức tinh tấn vẫn khởi dậy… (như trên)… làm ta mệt mỏi. Tuy cảm thọ khổ khởi lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(6) Ta lại nghĩ: “Mình hãy (tiếp tục) tập thiền nín hơi thở”. Rồi ta nín hơi thở vô ra qua miệng, qua mũi và qua tai. Khi làm như vậy thì như có sự đốt cháy khủng khiếp trong thân, ví như có hai kẻ vũ lực nắm 2 cánh tay một người yếu đuối rồi nướng người ấy trong một hẩm than cháy đỏ. Cũng vậy khi ta nín hơi thở vô ra qua miệng qua mũi và qua tai thì như có sự đốt cháy khủng khiếp trong thân. Dù cho sức tinh tấn khởi dậy… (như trên)… làm ta mệt mỏi. Tuy cảm thọ khổ khởi lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
Lúc đó chư thiên thấy vậy thì có vị nói: “Sa môn Gotama đã chết”. Có chư thiên khác nói: “Sa môn Gotama chưa chết, nhưng đang chết”. Một số chư thiên khác lại nói: “Sa môn Gotama chưa chết hoặc không phải đang chết. ALaHán là Sa môn Gotama. Lối sống của một vị ALaHán là như vậy”.
(7) Này Aggivessana, ta lại nghĩ: “Ta luyện tập theo lối hoàn toàn nhịn ăn”. Rồi chư thiên đến nói với ta: “Thưa hiền nhân, xin chớ có tập luyện đoạn thực hoàn toàn. Nếu hiền nhân làm vậy, chúng tôi sẽ truyền chất dinh dưỡng cõi thiên qua lỗ chân lông để hiền nhân được tiếp tục nuôi sống”. Rồi ta xét rằng: “Nếu ta hoàn toàn không ăn, rồi các chư thiên này lại truyền chất dinh dưỡng cõi thiên qua lỗ chân lông để nuôi sống ta, như vậy là ta tự dối trá”; nên ta từ khước chư thiên đó và nói rằng: “Không cần thiết”.
(8) Này Aggivessana, ta lại nghĩ: “Ta hãy thử chỉ ăn thật ít, mỗi lần một nhúm nhỏ thôi, hoặc xúp đậu xanh, hoặc xúp đậu lăng, hoặc xúp đậu leo, hoặc xúp đậu thận”. Rồi ta chỉ ăn thật ít, mỗi lần một nhúm nhỏ thôi, hoặc xúp đậu xanh, hoặc xúp …. Khi ta ăn như vậy, thân thể ta trở nên quá hao gầy. Ví như đã đến giai đoạn 80 tuổi (āsītika) hay chết đến nơi do tay chân ta biến dạng lớn nhỏ vì ăn qúa ít. Ví như bàn chân con lạc đà là mông của ta … Ví như xâu chuỗi là xương sống của ta khi đứng lên hay cuối xuống …. Ví như đà căn nhà cũ kỹ bị đổ nát là xương sườn còm cõi của ta …. Ví như nhìn thấy ánh vì sao chìm lắng dưới giếng nước sâu thẳm do nhìn thấy ánh mắt của ta chìm lắng trong hốc mắt sâu thẳm …. Ví như trái bầu đắng mới hái còn tươi bị tiếp chạm với nắng gió làm cho khô héo do da đầu của ta bị tiếp chạm- khô héo vì ta ăn quá ít.
Rồi này Aggivessana, khi ta sờ da bụng thì như chạm vào xương sống và khi sờ xương sống thì như chạm vào da bụng. Da bụng như dính với xương sống…. Nếu ta đi đại tiện và tiểu tiện thì ta té ngã chúi mặt lên mớ phân …. Nếu ta thư giãn thân thể bằng cách dùng tay thoa bóp thân, khi tay vuốt lên thân thì những gốc lông thoái hoá rụng khỏi thân ta vì ta ăn quá ít.
Người ta thấy ta như vậy, có người nói: “Sa môn Gotama có màu đen”. Có kẻ khác lại nói: “Sa môn Gotama không phải màu đen mà màu nâu”.
Rồi có người khác lại nói: “Sa môn Gotama không phải màu đen hay nâu mà có da màu cam”.
Đến nông nổi này, Aggivessana, màu da của ta đã từng trong sạch thì bị hủy hoại vì ta ăn quá ít.

(Từ bỏ khổ hạnh- Chứng Tam minh)

Này Aggivessana, rồi ta nghĩ: “Bất cứ Sa môn- Bà la môn nào, trong quá khứ … trong tương lai… trong hiện tại do sự tác động, đều cảm thọ những cảm giác khổ, đau nhói, thô thiển, cùng cực. Đó là sự chịu đựng cao nhất, không còn gì hơn”. 
Nhưng ta dù cho với sự khổ hạnh cùng cực này vẫn không đạt được “pháp thượng nhân” (uttari manussadhammā) hay “thánh tuệ giác” (alamariyañāṇadassana). Hay là nếu có một lộ trình nào khác dẫn đến giác ngộ?
Rồi này Aggivessana, ta nhớ lại khi phụ thân ta dòng họ Thích ca (Sakka) đang bận việc thì ta ngồi dưới cây táo hồng (Diêm phù đề) mát mẻ: ta ly dục- ly pháp bất thiện, với tầm (ý tưởng/truy tầm) với tứ (suy ngẫm/ý tứ), với hỉ lạc từ sự ly dục, ta nhập trú vào Nhất thiền. Vậy lộ trình này có dẫn đến giác ngộ không? Rồi ta có nhận thức này: “Đó là lộ trình đưa đến giác ngộ – giải thóat”.
Ta lại nghĩ: “Mình có sợ cảm thọ lạc này, rất khác xa với tham dục, rất cách biệt với pháp bất thiện? Và ta suy ra: “Mình không sợ thọ lạc này, vì nó rất khác xa với tham dục, rất cách biệt với pháp bất thiện”.
Này Aggivessana, rồi ta lại xét: “Quả thật không dễ đạt được cảm thọ lạc với thân thể qúa tàn tạ hao gầy như vầy. Ta hãy thử ăn món đặc, cơm và cháo”. Rồi ta ăn các món đặc, cơm và cháo. Lúc đó có 5 Tỳ khưu (nhóm huynh đệ Kiều Trần Như) săn sóc cho ta nghĩ rằng; “Khi nào Sa môn Gotama đắc pháp thì sẽ cho chúng ta biết”. Nhưng khi thấy ta ăn các món đặc, cơm và cháo thì 5 Tỳ khưu chán nản và bỏ đi: “Sa môn Gotama trở lại lối sống sung túc, đi sai đường, lui lại lối sống no đủ”.
Rồi ta ăn các món đặc, cơm và cháo, sinh lực được hồi phục:
(NhấtThiền) Ly dục- ly pháp bất thiện, với tầm với tứ, với hỉ lạc từ ly dục, ta nhập trú trong nhất thiền. Cảm thọ an lạc dấy lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(NhịThiền) An tịnh tầm và tứ, nội tĩnh nhất tâm, dứt tầm dứt tứ, với nguồn hỉ lạc từ thiền định, nhập trú nhị thiền. Và như vậy cảm thọ an lạc lại dấy lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(TamThiền) Từ bỏ hỉ, trú trong buông xả, chánh niệm tỉnh giác, với nguốn an lạc được cảm thọ từ thân mà bậc Thánh gọi là: “Sống buông xả, chánh niệm, an lạc, nhập trú tam thiền”. Và như vậy cảm thọ an lạc lại dấy lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồ đọng.
(TứThiền) Từ bỏ lạc- từ bỏ khổ, xa lánh những vui buồn từ trước, dứt khổ- dứt lạc, buông xả- chánh niệm- thanh tịnh, nhập trú tứ thiền. Như thế cảm thọ an lạc lại dấy lên,  nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng. 

(1) Túc mạng minh: Lúc tâm định tĩnh, trong sáng, tinh khiết, không luyến đắm, dứt sạch tham ái, nhu nhuyễn, khả dụng, ổn định, tĩnh tịch; ta hướng tâm tới Túc mạng minh. Ta nhớ lại đủ loại đời sống xa xưa đã qua, ví như 1 đời, 2 đời, 3 đời … trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, bao kiếp tan biến, bao kiếp trỗi dậy, bao kiếp tan biến-trỗi dậy. Nơi đó có tên là vậy- thị tộc như vậy- vóc dáng là vậy- món ăn như vậy- trải nghiệm vui khổ như vậy- thọ mạng như vậy. Chết tại nơi đó được tái sinh chỗ khác, và cũng ở nơi đó có tên là vậy- thị tộc như vậy- vóc dáng là vậy- món ăn như vậy- trải nghiệm vui khổ như vậy- thọ mạng như vậy. Rồi chết tại nơi đó được tái sinh nơi này. Ta có thể nhớ lại được cách thức và chi tiết của những đời sống đã qua.
Này Aggivessana, đây là trong đêm canh một ta chứng được minh thứ nhất (Túc mạng minh), vô minh hoại diệt, minh phát khởi, đen tối tan biến, ánh sáng sanh khởi, do sống cần mẫn, nỗ lực và quyết tâm. Như thế cảm thọ an lạc lại dấy lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(2) Thiên nhãn minh– Lúc tâm định tĩnh, trong sáng, tinh khiết, không luyến đắm, dứt sạch  tham ái, nhu nhuyễn, khả dụng, ổn định, tĩnh tịch; ta hướng tâm tới Thiên nhãn minh. Với thiên nhãn thông thuần tịnh và siêu phàm, ta thấy được chúng sanh chết đi và tái sinh, cao sang, thấp kém, xinh đẹp, xấu xí, vui sướng, khổ cực, và hiểu sự trải nghiệm tùy theo nghiệp duyên  của họ như:
– Chúng sanh nào phạm những ác hạnh về thân- khẩu- ý, xỉ nhục chư Thánh, mang tà kiến, hành xử theo nghiệp tà kiến; lúc thân xác hoại diệt- sau khi chết sẽ bị thác sinh về ác xứ, khổ cảnh, cõi thấp kém, địa ngục.
– Chúng sanh nào tạo những đức hạnh về thân- khẩu- ý, không xỉ nhục chư Thánh, có chánh kiến, hành xử theo nghiệp chánh kiến; lúc thân xác hoại diệt- sau khi chết được thác sanh về cõi lành, thiên giới.
Như thế với Thiên nhãn thông thuần tịnh và siêu phàm, ta thấy được chúng sanh chết đi và tái sinh, cao sang, thấp kém, xinh đẹp, xấu xí, vui sướng, khổ cực, và hiểu sự trải nghiệm tùy theo nghiệp duyên của họ.
Này Aggivessana, đây là trong đêm canh giữa ta chứng được minh thứ hai (Thiên nhãn minh), vô minh hoại diệt, minh phát khởi, đen tối tan biến, ánh sáng sanh khởi, do sống cẩn trọng, nỗ lực và quyết tâm. Như thế thọ an lạc lại dấy lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng.
(3) Lậu tận minh– Lúc tâm định tĩnh, trong sáng, tinh khiết, không luyến đắm, dứt sạch tham  ái, nhu nhuyễn, khả dụng, ổn định, tĩnh tịch; ta hướng tâm tới Lậu tận minh.
– Ta biết rõ như thật đây là khổ, biết rõ như thật đây là khổ tập, biết rõ như thật đây là khổ diệt, biết rõ như thật đây là lộ trình dẫn đến diệt khổ.
– Ta biết rõ như thật đây là uế nhiễm (lậu hoặc/phiền não), biết rõ như thật đây là uế nhiễm tập khởi, biết rõ như thật đây là uế nhiễm hoại diệt, biết rõ như thật đây là lộ trình dẫn đến đoạn diệt uế nhiễm.
Thấy và biết như vậy, dục lậu …  hữu lậu … vô minh lậu được khai phóng khỏi tâm. Trong sự khai phóng khởi lên trí tuệ giải thoát: “Sanh chấm dứt, sống thánh thiện, việc cần làm đã xong, không còn gì trở lại trạng huống hiện hữu (uế nhiễm, phiền não-khổ đau) này nữa”.
Này Aggivessana, đây là trong đêm canh cuối ta chứng được minh thứ ba (Lậu tận minh), vô minh hoại diệt, minh phát khởi, đen tối tan biến, ánh sáng sanh khởi, do sống cẩn trọng, nỗ lực và quyết tâm. Như thế an thọ lạc lại dấy lên, nhưng không ảnh hưởng đến tâm ta- không tồn đọng. 

– Này Aggivessana, ta hiểu rõ rằng khi ta thuyết pháp cho quần chúng hàng trăm người thì từng mỗi người đều nghĩ rằng: “Vì chính mình mà Sa môn Gotama thuyết pháp”. Nhưng không phải như vậy. Như lai thuyết pháp chỉ để giúp đem lại kiến thức cho người khác”.
Này Aggivessana, sau khi xong bài giảng, với cùng định tướng  (samādhinimitte) như trước (khi giảng), ta an tịnh nội tâm, giữ nhất tâm và nhập định. Ta hằng luôn sống như vậy. 

– Ngài Gotama thật đáng tin cậy, vì là vị ALaHán Chánh đẳng giác. Ngài Gotama có biết rõ về sự ngủ nghỉ ban ngày?
– Ta có biết Aggivessana. Trong mua hè, tháng cuối, vào buổi xế chiều nóng bức, lúc khất  thực xong trở về, ta gấp y ngoài (sanghati) làm bốn, tựa hông bên phải, chánh niệm tỉnh giác nằm nghỉ.
– Thưa Ngài Gotama, một số Sa môn- Bà la môn cho như vậy là sống si mê (vô minh)?
– Này Aggivessana, theo cách đó thì không phải là si mê hay không si mê. Như thế nào là si mê hay không si mê, hãy nghe kỹ và chú ý lời ta giảng.
– Thưa Ngài vâng.

Saccaka Nigaṇṭha trả lời Đức Phật. Rồi Ngài giảng tiếp:
– Với bất cứ người nào mà những uế nhiễm, phiền não, đưa đến tái sanh, phiền toái, gây khổ đau, đưa đến sinh- già- chết trong tương lai, chưa được đoạn trừ; ta cho đó là si mê. Này Aggivessana, vì do uế nhiễm- phiền não chưa được từ bỏ nên trở thành si mê.
Còn với bất cứ người nào mà những uế nhiễm- phiền não, đưa đến tái sanh, phiền toái, gây khổ đau, đưa đến sinh-già-chết trong tương lai, đã được đoạn trừ; ta cho đó là không si mê. Này Aggivessana, vì do uế nhiễm-phiền não đã được từ bỏ nên trở thành hết si mê.
Đối với Như lai, những uế nhiễm- phiền não, đưa đến tái sanh, phiền toái, gây khổ đau, đưa đến sinh-già-chết trong tương lai, đã được đoạn trừ; bị cắt tận gốc như cây Tala bị chặt đứt chỉ còn trơ gốc, không còn sinh sản lại được trong tương lai. Này Aggivessana, ví như cây Tala bị chặt mất phần đầu, không còn lớn lên được nữa. Tương tự như vậy, đối với Như lai, những uế nhiễm- phiền não, đưa đến tái sanh, phiền toái, gây khổ đau, đưa đến sinh-già-chết trong tương lai, đã được đoạn trừ; bị cắt tận gốc như cây Tala bị chặt đứt chỉ còn trơ gốc, không còn sinh sản lại được trong tương lai.
Được nghe nói như thế, Saccaka Nigaṇṭha thưa với Đức Phật:
– Thật là kỳ diệu! thật là vi diệu! thưa Ngài Gotama. Dù phải trải qua những lời lẽ lăng mạ sỉ nhục, dù bị đối xử với sự khiếm nhã qua cuộc đối thoại, màu da của Ngải vẫn tươi sáng, da mặt của Ngài vẫn thanh tịnh, thật là một vị ALaHán Chánh đẳng giác.
Thưa Ngài Gotama, tối nhớ lại khi bàn luận với Pūraṇa Kassapa … Makkhali Gosāla … Ajita Kesakambalin … Pakudha Kaccāyana … Sañjaya Belaṭṭhiputta … Nigaṇṭha Nātaputta thì các vị này né tránh qua chuyện khác, lạc đề, bực bội, giận dữ, căm ghét, gay gắt. Còn đối với Ngài Gotama, dù bị đối xử với sự khiếm nhã qua cuộc đối thoại, màu da của Ngải vẫn tươi sáng, da mặt của Ngài vẫn trong sạch, thật là một vị ALaHán Chánh đẳng giác. Thưa Ngài Gotama, bây giờ tôi phải đi, vì còn nhiều chuyện, cần phải làm nhiều chuyện.
– Vậy là lúc Ông hãy làm điểu gì thích hợp với mình.
Saccako Nigaṇṭha lấy làm vui thích và hoan hỉ với lời giảng cửa Đức Phật, đứng dậy từ chỗ ngồi và từ biệt. 

========================================================


Leave a Reply

 
 
Advertisements

 

Occasionally, some of your visitors may see an advertisement here,
as well as a Privacy & Cookies banner at the bottom of the page.
You can hide ads completely by upgrading to one of our paid plans.

UPGRADE NOW DISMISS MESSAGE

Post navigation

Leave a Reply